Đi du học 9: Những cái tiếc

Du học sinh có hàng tỉ cái để tiếc, mà đến tận lúc ngồi trên giảng đường ở nước ngoài mới nhận ra. Những câu chuyện dưới đây sẽ chẳng đại diện cho ai cả, nhưng có vài điểm chung ở những người trải qua các câu chuyện đó: họ đều là những người học thạc sỹ, họ chưa từng được du học chính quy trước đó, và mục đích cao nhất của họ khi du học vẫn là học tư duy. Cho nên ngay từ đầu những chuyện đã chỉ hợp với một số người, và không hợp với rất nhiều người. Chọn đọc hay không là chuyện của bạn.

1. 70 hay 79 cũng đều chỉ là Distinction

Ở các chương trình thạc sỹ Anh, người ta dùng thang điểm % để đánh giá sinh viên. Tuy nhiên, các mức điểm tương đối kì lạ: 50% – 59% là Pass, 60 – 69% là Pass with Merit, 70% trở lên là Distinction.

Và đến khi tốt nghiệp với điểm trung bình 77%, tôi mới nhận ra rằng “Cuối cùng thể nào chả Distinction, tại sao phải khổ sở học lắm thế?”

Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng mình chưa được học cách sắp xếp các mối ưu tiên và thời gian cho công việc một cách hợp lý, một kĩ năng mà đáng ra người ta phải học trước khi du học.

Tôi bỏ lỡ các show của Adele. Không đi được Santorini. Không đi xem cực quang. Không có cái chênh lệch 7% đó, tôi vẫn sẽ là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, vẫn sẽ có bài báo nghiên cứu khoa học trên hội nghị PLEA 2017.

Đừng hiểu nhầm: phát triển những giá trị dài hạn hơn như kĩ năng tư duy và nghiên cứu hàn lâm vẫn là ưu tiên số một của tôi. Nhưng dành vài ngày để đi đâu đó cũng chẳng làm ai chết cả. Tôi đã dành hơi nhiều thời gian cho những việc không thực sự đem lại thay đổi đáng kể.

Hơn nữa, việc tập trung học một cách có ý thức quá lâu dẫn đến việc tôi có quá ít thời gian cho những lúc tư duy tự do. Tức là, những lúc không quá bận, não của tôi có thể tranh thủ lúc tôi đi bộ, ngồi trên tàu hoả, hoặc làm những việc lặt vặt, để suy nghĩ về những câu chuyện như: Liệu Việt Nam có thế hệ thành công hàng loạt nhờ sinh ra đúng thời điểm, như Malcolm Gladwell viết về các tên tuổi lớn của nước Mỹ trong Outliers: The Story of Success hay không? Tôi biết những lúc nghĩ vẩn vơ thế có tác động rất tích cực đến tư duy, và một ngày tình cờ chị Thuý cho tôi biết rằng Michael Sharwood Smith đã lý giải được điều này một cách khoa học.

Học hay “trải nghiệm” đều quan trọng thật. Nhưng nếu không thật sự làm chủ được các ưu tiên, du học sinh sẽ chỉ lao đầu vào những cái guồng bản năng và một chiều hoặc có mục đích quá cụ thể, kể từ việc học cho đến trải nghiệm, mà không nhận ra tác dụng của những thứ tưởng như không có mục tiêu gì liên quan.

2. Nghệ thuật … chần chừ

Chúng tôi, đám du học sinh ở UK, vẫn đùa nhau rằng đứa nào cũng là bậc thầy về nghệ thuật chần chừ – the Art of Procrastination.

Kết thúc học kì đầu tiên của năm học 2015 – 2016 là kì nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới. Tôi bấm bụng ở nhà, không đến London xem bắn pháo hoa, để dành thời gian hoàn thành đồ án cho xong.

Thực tế là trong suốt 10 ngày đầu tiên của kì nghỉ, tức là cho đến tận ngày bắn pháo hoa, tôi chẳng làm được tí gì.

Một lần nữa, tôi gặp lại bài học về sự ưu tiên: bạn phải luôn ưu tiên sự lành mạnh và bình ổn về tinh thần thì mới minh mẫn về tư duy. Nói cách khác, “SANITY”. Nếu lúc nào cũng “VIỆC”, bạn sẽ chỉ ngập ngụa trong … “ấy ấy” mà thôi.

Nhưng lần này tôi còn nhận ra rằng đáng ra mình phải được học cách lập và duy trì sự tập trung trong kế hoạch (không phải sự tập trung khi tư duy). Để làm được điều đó, tôi nên có một ràng buộc về lợi ích lẫn chi phí cụ thể phù hợp. Cuối đợt nghỉ đó, tôi dự định sẽ đi Edinburgh và Bắc Ai-len chơi với bạn. Đó hứa hẹn là một chuyến đi đáng nhớ (và thực tế nó là chuyến đi rất đáng nhớ), nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ chẳng có giờ phút vui cười nào với bạn bè hết, lại còn mất kha khá tiền, nếu như tôi không tập trung cho ra hồn. Sau ngày 1/1, tôi mới nhận ra cần thực sự tập trung cho kế hoạch và nộp tất cả bài vở sớm 1 ngày so với hạn nộp. Tôi ung dung đi Edinburgh, và bỏ luôn buổi học đầu kì để ở lại Bắc Ai-len chơi cho thích.

Sau này, tôi cũng làm tương tự với học kì mùa hè. Tôi trả trước toàn bộ tiền vé máy bay, vé tàu, và khách sạn cho chuyến đi 5 nước Châu Âu. Lúc đó đã rơi vào tình trạng: không làm luận văn cho nghiêm túc thì xác định mất đống tiền lại còn chả được đi đâu. Nên, mỗi ngày tôi đặt ra mục tiêu rất rõ là phải làm được bao nhiêu test case, viết được bao nhiêu từ. Cuối cùng tôi xong luận văn sớm gần 1 tháng, nộp cho thầy điều hành khoá học để nhờ thầy(giáo viên hướng dẫn của tôi chuyển sang trường khác trước đó rất lâu, tôi phải mò mẫm tự làm nghiên cứu và luận văn), rồi xách ba lô làm một tua Paris, Amsterdam, Berlin, Rome, và Barcelona.

3. Học viết phân tích và phản biện không bao giờ là thừa

Chị ấy đến nước Anh với tấm bằng BA về Giảng dạy tiếng Anh và nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho một cơ quan chả liên quan đến ngành đó. Và chị học Thạc sỹ Luật Quốc tế, LLM in International Law. Đó không đơn thuần là quyết định dũng cảm, chị ấy biết rõ mình cần gì.

Chị mất nguyên một học kì để làm quen với việc viết phân tích, phản biện, và đa chiều. Luật là một bộ môn học thuật rất lâu đời ở Anh, khó toát mồ hôi, bởi vì người ta có thể lật đi lật lại vấn đề như xoay cái kính vạn hoa mà không bao giờ dám chắc mình đã nhìn được đủ các mặt cần nhìn.

Chị tốt nghiệp hạng Merit. Tôi hiếm thấy ai có thể tiến bộ được nhiều như thế chỉ sau một năm, nhất là khi người đó đã lâu không động đến sách vở, và hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị nào cho một môi trường học thuật đòi hỏi những kĩ năng hoàn toàn mới.

Chị chỉ có một câu tiếc nuối luôn nói với tôi: “Giá mà chị học viết cho nghiêm chỉnh trước khi đi”.

Càng tư duy viết phân tích và phản biện giỏi, sinh viên càng tiết kiệm được nhiều thời gian. Chuyện ngữ liệu và cách diễn đạt chỉ là chuyện vặt vãnh. Những kĩ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, phản biện mới là phần quan trọng hơn, và nó lại có thể được phát triển bằng cách học viết thật sự. Khi sinh viên ít phải lo lắng về những việc trình bày hay phân tích, hiển nhiên sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để khám phá những thứ mình thực sự yêu thích hơn.

Mà thời gian tỉ lệ thuật với “sanity” của sinh viên. Thật vậy, càng gần deadline, nói cách khác là càng ít thời gian để làm, chúng ta càng dễ phát điên.

Việc học viết hay tư duy này không phải chuyện gì đó viễn tưởng hay “cao sang”. Tôi có thể nói rằng thái độ đối với viết hàn lâm ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng. Học 1 năm, một người bạn của tôi từ chỗ chưa được đào tạo chính quy về tâm lý học mà xuất bản được nghiên cứu khi kết thúc khoá học (*), trong khi người khác học đúng ngành liên quan có khi chỉ làm xong luận văn. Có người cho rằng đây chỉ là sự khác nhau về ưu tiên và mục tiêu, ưu tiên nhiều thì thái độ tốt, như một mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Tôi lại nghĩ: ưu tiên và thái độ thực chất là một. Nghiêm túc với một việc chính là ưu tiên nó hơn việc khác, và ngược lại.

 

Quản lý mối ưu tiên và thời gian, tập trung với kế hoạch, và tư duy viết là những bài học quan trọng mà tôi nhớ nhất, cũng tiếc nhất khi không phải ai cũng hiểu trước khi du học. Mọi người hoàn toàn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý. Du học không có nghĩa là cắm đầu vào học, tất nhiên. Tôi chỉ lưu ý rằng: sau cùng chúng ta thu được gì sau những năm học tập? Có giá trị ngắn hạn hay dài hạn? Giá trị độc lập và không phụ thuộc, hay giá trị có điều kiện và phụ thuộc? Tại sao chúng ta phải lặn lội đến gặp những giáo sư giỏi bằng xương bằng thịt trong khi có những môn chính người đó dạy trực tuyến?

Phần tôi, tôi coi trọng khả năng tự chủ và học cũng để tiệm cận sự tự chủ.

(*) Phải nói rằng bạn tôi có một nền tảng con người rất tốt để có thể bền bỉ cho một mục tiêu cao hơn. Khi chị Trân giới thiệu bạn ấy với tôi, mong tôi giúp đỡ bạn, tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Nhưng giờ tôi rất vui vì đã giúp được đúng người cần giúp.

 

8 Comments

  1. Anh có thể viết về nếu bạn muốn đi du học nhưng chưa có định hướng rõ ràng thì trong khoảng thời gian đó nên rèn luyện những kĩ năng nào ko ạ? Ví dụ đọc bài này thì em thấy đó là việc sắp xếp ưu tiên và viết hàn lâm. Cảm ơn anh ạ!

    Like

    1. Ừ em nên dành thời gian cho việc rèn kĩ năng tư duy. Luyện viết hàn lâm cũng là một trong những cách để luyện kĩ năng tư duy phản biện.

      Liked by 1 person

  2. Anh ơi, xuất bản nào của Michael Sharwood Smith mà anh nhắc tới phía trên đấy ạ?
    Có phải quyển Introducing Language and Cognition: A Map of the Mind hay là quyển nào khác ạ?
    Ngoài Outliers, em thấy quyển Geography of Genius cũng bàn về hiện tượng tương tự lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại.

    Like

  3. Cảm ơn anh về bài viết. Mùa thu năm nay em nhập học Master ở Châu Âu, và 2 điều em lo lắng nhất là khả năng viết hàn lâm và kỹ năng tư duy. Em có làm khóa luận tốt nghiệp đại học, tuy nhiên em đã viết hoàn toàn dựa vào cảm tính và chưa từng “học” viết hàn lâm (ngoài trừ học viết bài Ielts mới đây- tuy nhiên điểm viết cũng thấp nhất trong 4 kỹ năng). Em mạo muội xin anh lời khuyên: anh có thể cho em danh sách gợi ý các tài liệu để luyện 2 kỹ năng trên không ạ? (nếu anh có sẵn có thể chia sẽ thì tốt quá!). Em định dành vài tháng còn lại trước khi nhập học để luyện 2 kỹ năng trên. Cảm ơn anh vì đã dành thời gian đọc comment :))

    Like

      1. Cảm ơn anh nhiều đã trả lời comment của em. Em đã gửi tin nhắn theo link facebook trên, nhưng hơi buồn vì hình như lớp ở Hà Nội, trong khi em lại sống ở Sài Gòn.

        Like

        1. Cái này thì anh đúng là cũng chịu thua. Cho đến giờ chưa thấy có lớp nào anh tin cậy được ở miền Trung hay miền Nam cả.

          Like

Leave a comment