Gió tầng nào gặp mây tầng đó?

Những ngày cuối năm vừa rồi, mình trải qua một đợt mental breakdown. Khi nhìn vào những gì mình cố gắng làm, và những gì facebook đập vào mắt mình, mình có cảm giác thế giới này sẽ không bao giờ thay đổi. Tức là bất chấp những gì mình vẫn cố gắng dạy, viết, và nói, các thanh niên sinh ra và/hoặc lớn lên trong thế kỷ 21 vẫn để tôi phải nói lại những câu chuyện xưa như Trái Đất về kiến thức, lao động, học tập, IELTS, nữ quyền, áp lực đồng trang lứa, giữa vô vàn những thứ khác. Các nội dung mạng xã hội, đặc biệt là những video dạng ngắn, có vẻ đang “bình thường hoá” những thứ ngớ ngẩn mà những phong trào tiến bộ đã xem như cần bị loại bỏ từ đời nào rồi.

Và mình cũng trầm cảm vì chưa bao giờ cảm thấy hết lo sợ, rằng những gì mình viết ra chẳng có giá trị gì đáng kể, chẳng giúp được ai, chẳng có gì sâu sắc. Mình sợ rằng mình sẽ trở thành giống chính rất nhiều người viết ra những nội dung mà mình đang phê phán trên mạng xã hội: những người chỉ dựa vào những trải nghiệm ít ỏi của bản thân, không biết chút gì về giải nghĩa dữ liệu định lượng, mà khẳng định những điều chắc như đinh đóng cột như thể quy luật về tâm lý của con người, về sự vận động của xã hội, và vân vân.

Nhưng cuối cùng thì, mình đoán, chắc mình phải tiếp tục viết thôi.

Viết hết về tất cả những thứ độc hại mà mạng xã hội đang tiêm vào đầu các bạn chỉ trong một bài đăng “ngắn” hiển nhiên là điều không thể. Vì vậy, mình quyết định chọn một chủ đề mà mình hiếm khi nói đến, nếu không muốn nói là chưa bao giờ: “Gió tầng nào gặp mây tầng đó” trong tình yêu.

Câu này bị lạm dụng đến phát nhàm trong quá nhiều content trên mạng xã hội. Cuối cùng, người ta chẳng còn quan tâm xem thế nào là “mây”, thế nào là “gió”, và quan trọng hơn cả: thế nào là “tầng”?

Người ta có thể diễn giải câu này theo các cách sau đây: (1) Người ở tầng nào sẽ có xu hướng thu hút/bị thu hút bởi những người ở cùng tầng đó; (2) Mối quan hệ sẽ bền vững hơn khi người ta chọn được người nào ở càng gần tầng với mình để thiết lập mối quan hệ, và mối quan hệ càng ít bền vững khi người ta chọn thiết lập mối quan hệ với người nào ở càng xa tầng với mình; và (3) Mối quan hệ bền vững đòi hỏi sự đồng điệu về tầng với mình. “Tầng” ở đây được hiểu là bao gồm học vấn/tri thức, diện mạo, thu nhập, sự nghiệp, sở thích cá nhân, và một số khía cạnh khác (mà mình không liệt kê hết được).

Cách nghĩ này không hẳn sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hay chọn sai “tầng” để đồng điệu, và ngay cả khi chọn đúng khía cạnh (tầng) để đồng điệu, rất có thể sự phát triển của chúng ta ở cái “tầng” đó cũng trật lất. Kết quả là, trong nhiều trường hợp, ý nghĩ “gió tầng nào gặp mây tầng đó” chỉ thể hiện tính nóng vội và ham muốn của một cá nhân độc thân, chứ hoàn toàn không tốt cho việc bắt đầu và duy trì một mối quan hệ bền vững.

1. Chọn sai “tầng”

Đầu tiên, chúng ta hay lầm tưởng rằng sự tương đồng về 3 yếu tố tri thức, sự nghiệp, và thu nhập, hoặc sự tương đồng về vị trạng kinh tế xã hội (tổng hòa của cả 3 yếu tố này) là thứ cần được ưu tiên cho một mối quan hệ bền vững, bởi vì sự đồng điệu ấy có thể sẽ tiết kiệm được cho chúng ta thời gian thích nghi. Lời giải thích cụ thể hơn là: “Nói chuyện với những người không đồng điệu về tri thức, không tương đồng với mình về sự nghiệp, nó khó chịu lắm, vì không đồng điệu về các mặt này thì nói mãi cả hai cũng không tìm được tiếng nói chung. Khi mình nói mãi mà nó không hiểu, mình khó chịu.”

Bây giờ chúng ta thử nghĩ đến tình huống này: Trong một cuộc tranh cãi nào đó, người yêu bạn có nhiều kiến thức hơn bạn ở một lĩnh vực nhất định, hoặc hai bạn có góc nhìn khác bạn về một vấn đề. Người yêu bạn bình tĩnh giải thích cho bạn hiểu kiến thức trong lĩnh vực đó hoặc góc nhìn của người ấy, khiến bạn đi từ “ồ” đến “à” mà không hề có cảm giác rằng người ta đang kiêu ngạo hay coi thường bạn, thì bạn cảm thấy thế nào? Khi đó người ấy có khó chịu vì phải giải thích cho bạn không, có nghĩ rằng “mây tầng nào gặp mây tầng đó” không, có nghĩ rằng sự thiếu hiểu biết của bạn là một vấn đề đe doạ mối quan hệ và từ chối tiếp tục thay vì cố gắng giúp bạn lấp đầy thiếu sót ấy không? Bạn có thấy sự kiên nhẫn ấy, mà người yêu dành cho bạn, là cần thiết không?

Hay lấy một ví dụ khác gần hơn đi: bạn có thấy rằng sự kiên nhẫn mà bạn dành cho chính mình là cần thiết không? Đã có biết bao nhiêu lần bạn cảm thấy sốt ruột trước những áp lực đồng trang lứa – đứa này được IELTS 8.0, đứa kia được thăng chức lên vị trí giám đốc, đứa khác đã tốt nghiệp thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài – để rồi nhận ra rằng cần cho chính mình thêm chút thời gian và bình tĩnh để đi theo tiến độ riêng của mình? Bạn có thấy rằng mỗi thay đổi thực sự của bản thân đều đòi hỏi rất nhiều kiên trì của chính bạn và sự kiên trì giúp đỡ của những người xung quanh hay không?

Sự thật là: việc có một người yêu tương đồng với chúng ta về tri thức, sự nghiệp và thu nhập hầu như không tiết kiệm được cho chúng ta công sức kiên nhẫn. Đầu tiên, bất kể hai người đồng điệu hay tương đồng với nhau đến đâu, họ vẫn sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái bất đồng quan điểm. Cuộc sống “hai mình” không phải là phép cộng gộp của hai cuộc đời, mà là một phản ứng hóa học (tai hại) giữa hai hóa chất đầy cá tính. Nó sẽ “giúp” bạn trải nghiệm những tương tác lẫn xung đột giữa hai cá thể mà chắc chắn bạn chưa bao giờ gặp phải khi sống “một mình” (vì sống một mình thì có “mình” nào nữa đâu mà tương tác). Chính những tương tác vượt ra ngoài phạm vi của phép cộng gộp đơn thuần sẽ khiến những bất đồng liên tục xảy ra, và đòi hỏi việc giải quyết những khủng hoảng cùng hoạt động thích nghi. Vì thế, cuộc sống “hai mình” luôn đòi hỏi việc tự thay đổi và giúp đỡ nhau thay đổi bằng kiên nhẫn và tận tâm. Bên cạnh đó, ngay cả sự đồng điệu ban đầu cũng sẽ trôi qua, bởi vì chẳng ai lại không thay đổi, và chẳng thiếu gì những lúc thay đổi của họ “lệch pha” nhau. Việc cố gắng nhìn vào sự đồng điệu ở một khoảnh khắc ban đầu để kỳ vọng những yên ổn về sau không khác gì việc nhìn vào một khoảnh khắc nhất thời của một con người mà đánh giá toàn bộ tương lai của anh ta. Cuối cùng thì hai người trong mối quan hệ vẫn phải liên tục ứng xử với những tương tác với nhau và với sự thay đổi của nhau. Điều này có nghĩa là: việc liên tục điều chỉnh và thích nghi một cách kiên nhẫn và tận tâm là điều đương nhiên, bất kể đàn ở “tầng” nào, và một mối quan hệ gắn bó lâu dài không có chỗ cho thái độ “tìm người cùng tầng luôn cho đỡ phải mất công kiên nhẫn”.

2. Thiếu góc nhìn “đội nhóm”

“Tôi không hẳn thiếu kiên nhẫn, tôi có thể dành thời gian để cùng người đó thay đổi và thích nghi. Nhưng vấn đề là tri thức, nhan sắc, thu nhập, công việc và thế giới quan/giá trị quan đều là những nền tảng cần thiết cho việc xây dựng một mối quan hệ bền vững. Tôi có trình độ học vấn cao, xinh đẹp, thu nhập tốt, một tâm hồn đẹp và thậm chí có một sự nghiệp đầy triển vọng; nói cách khác, tôi có nền tảng tốt ở mức nhất định, có “giá” nhất định. Tôi ưu tiên tìm người tương đương với mình ở các khía cạnh đó thì có gì sai?”

Thứ nhất, điều gì khiến bạn nghĩ rằng những thước đo vị trạng kinh tế xã hội của một con người với tư cách một người độc thân lại hữu ích đến vậy trong một mối quan hệ thân mật giữa hai người xa lạ? Bạn nên nhớ rằng mọi kinh nghiệm của bạn với chính mình như một người độc thân nhìn chung chẳng có giá trị mấy trong mối quan hệ này. Nói như Alain de Botton: các bạn đừng ảo tưởng rằng việc bạn sống ổn một mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ sống ổn khi “hai mình”, dù hai “mình” đó rất giống nhau. Sự giỏi giang hay kinh nghiệm của bạn hay của người yêu bạn ở các lĩnh vực như tri thức, tài chính, hay sự nghiệp có thể giúp bạn hoặc người yêu bạn có một cuộc sống yên ổn với tư cách một con người độc lập, nhưng chúng hoàn toàn không khiến hai bạn “giỏi” trong một mối quan hệ tình cảm. Lý do là: như đã nói ở trên, những gì sẽ diễn ra do tương tác giữa bạn và người yêu, hai cá thể độc nhất vô nhị, là những sự kiện chưa hề có tiền lệ trong cuộc đời ngắn ngủi của bạn. Một người sâu sắc trong suy nghĩ và sáng suốt đến mấy trong học thuật hay sự nghiệp vẫn sẽ vụng về và khờ khạo như tất cả những người khác trong một mối quan hệ tình cảm.

Thứ hai, chính việc bạn ưu tiên và đòi hỏi sự đồng điệu hay tương đương về tri thức, thu nhập, nhan sắc, sở thích hay sự nghiệp lại thể hiện rằng bạn không sẵn sàng cho một mối quan hệ tình cảm hai người.

Việc tìm kiếm một người “đồng điệu” với bạn về tri thức hay tương đương về vị trạng xã hội thực chất phản ánh nhu cầu và góc nhìn của riêng bạn – một cá thể độc thân, chứ không phản ánh góc nhìn của một “đội” thực sự. Nhiều khi, bạn chọn một người có trí tuệ, thu nhập tốt và sự nghiệp tốt vì riêng bạn thích thế, con người bạn khi bạn còn độc thân ham muốn như thế. Ngay cả mong muốn tìm kiếm một người “đồng điệu” cũng phản ánh một ham muốn cá nhân về cảm giác thoải mái khi tìm thấy sự đồng điệu nào đó. Cái “tôi” cá nhân của bạn lúc này xem việc bước vào và duy trì một mối quan hệ như một sự trao đổi xã hội. Quyết định tham gia và duy trì mối quan hệ hay không sẽ phụ thuộc vào cảm nhận cá nhân về những phần thưởng của việc ở lại với mối quan hệ, cái giá của việc rời khỏi mối quan hệ, và sự tồn tại của những lựa chọn khác. Bạn sẽ tính điểm cho từng khía cạnh của mình (giáo dục, nhan sắc, thu nhập, sự nghiệp, vân vân), từng khía cạnh của “đối phương”, và nghĩ rằng hai bên tương đương khi tổng “điểm số” của bên này bằng và bù đắp vào tổng “điểm số” của bên kia.

Thế nhưng, khi bước vào một mối quan hệ thực sự bền vững hoặc muốn được bền vững, hai con người sẽ siêu biến hoặc cần siêu biến thành một “đội” với những góc nhìn và nhu cầu hoàn toàn khác – góc nhìn và nhu cầu của một “đội”, chứ không đơn giản là một phép cộng dồn các nhu cầu và góc nhìn của 2 người độc thân. Ví dụ, khi hai người bước vào một mối quan hệ, họ sẽ có xu hướng cho thêm chữ “cùng nhau” vào suy nghĩ. Dần dần, các hoạt động cùng nhau này không còn là một thú vui tự nguyện mà trở thành các nhu cầu hay hoạt động có tính “nghi thức” xác lập sự bền vững của mối quan hệ – nhất định phải đợi nhau về để ăn cơm cùng nhau chẳng hạn. Hoặc, nhu cầu cung chăm sóc một đứa con chung cũng là một nhu cầu mà chỉ khi nhìn được từ góc nhìn của một “đội”, người ta mới thấu hiểu tầm quan trọng của nó, và sẵn sàng ưu tiên việc chăm sóc đứa trẻ hơn những nhu cầu khác của từng cá nhân. Điều này có nghĩa là: mỗi người trong mối quan hệ tình cảm đều phải biết cân nhắc những mong muốn từ góc nhìn của cá nhân lẫn những mong muốn từ góc nhìn của “đội”, và tìm ra cách ưu tiên, dung hòa, lựa chọn để cuối cùng đạt được trạng thái đáp ứng tối ưu cho tất cả các mong muốn ấy. Việc ưu tiên sự đồng điệu hay tương đương về giáo dục, tài chính, và sự nghiệp thực chất thể hiện cách nhìn phiến diện của một cá thể độc thân, và hoàn toàn chưa tính đến góc nhìn “đội nhóm”.

Thứ ba, giả sử những yếu tố tri thức, nhan sắc, thu nhập, công việc, và thế giới quan thực sự làm nên một con người có “giá trị” cao (giả sử thôi nhé) và khiến bạn tự tin khi làm một con người độc lập, thì một người có giá trị không thua kém bạn và có góc nhìn sáng suốt về quan hệ tình cảm cũng chẳng sẵn lòng từ bỏ cuộc sống độc thân để bước vào một mối quan hệ tình cảm với bạn. Nói chính xác hơn, họ sẽ không dễ dàng để một mối quan hệ tình cảm xen vào cuộc sống độc thân “đang yên đang lành” của mình chỉ với lý do là bạn có “điểm số” tương đương họ ở các khía cạnh đó. Thậm chí họ có thể sẽ chạy mất dép nếu biết rằng bạn chọn họ chỉ vì sự tương đồng về “điểm số”. “Cảm ơn, điểm của tôi đủ dùng rồi. Của bạn thì bạn cứ giữ lấy mà dùng.” – họ sẽ nghĩ vậy.

Cuối cùng, sự đồng điệu về thế giới quan, nhân sinh quan, hay giá trị quan sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu những quan điểm ấy trật lất. (Vấn đề là: rất thường xuyên, chúng trật lất, bởi vì mạng xã hội tiêm nhiễm vào đầu người trẻ tuổi những quan niệm lệch lạc về thành công, về giá trị của một con người, về ý nghĩa của học tập, về mối quan hệ. Ví dụ, đến thời đại này rồi, người ta vẫn nghĩ rằng bằng cấp phản ánh trí tuệ của một người, và hai người cần phải có bằng cấp ngang nhau, có điểm IELTS ngang nhau thì mới xứng đôi – thế có chết tôi không cơ chứ.) Rõ ràng, trước khi đòi hỏi sự đồng điệu về quan điểm từ người khác, chúng ta cần đảm bảo rằng quan điểm của mình “ổn” đã. Và “ổn” ở đây phải là tương thích với lợi ích của cá nhân, xã hội, và cả “đội nhóm”, chứ không phải tương thích với mỗi lợi ích hay nhu cầu của riêng mình.

3. Vậy cuối cùng cần tìm kiếm cái gì?

“Nói nhiều quá. Vậy cuối cùng những người ta nên tìm kiếm cái gì ở một đối tác tiềm năng cho một mối quan hệ tình cảm? Một mối quan hệ bền vững cần những gì?”

Mình không biết hết những gì mà một mối quan hệ bền vững cần có, nhưng mình biết hai thứ sau đây rất cần thiết: “đội” và “cam kết”.

Đứa bạn của mình, khi nói về cách nó và chồng giữ gìn và phát triển mối quan hệ, đã nói rằng: “Đầu tiên, bọn tôi luôn coi nhau là một đội”.

Làm một “đội” trước tiên có nghĩa là nhận thức được sự tồn tại của cái gọi là “đội”. Như đã nói ở trên, “đội” không đơn thuần là một tập hợp kiểu 1+1=2. Một “đội” có những cá tính riêng, mục tiêu riêng, tách biệt với các cá tính và mục tiêu của mỗi cá nhân. “Các đôi gắn bó tận tâm với nhau xây dựng được một bản sắc cặp đôi (identity as a couple), thứ cho họ cảm giác cùng nhau (sense of togetherness). Dựa trên bản sắc này, họ xem cả hai như một cặp có tương lai chung, và nỗ lực thêm để bảo tồn bản sắc cặp đôi của mình” (*)

Làm một “đội” cũng có nghĩa là đặt những khác biệt về “điểm số” sang một bên. Điều này không có nghĩa là họ không nhận thức được những chênh lệch về học vấn hay vị trạng xã hội. Họ vẫn nhận thức được những chênh lệch ấy, nhưng họ không xem chúng như những “dealbreaker”. Thay vì đâm đầu vào những đối tượng có “điểm số” cao, họ nghĩ đến những câu hỏi: Trong mối quan hệ tình cảm với người này, chúng tôi sẽ “siêu biến” thành một “đội” như thế nào? Đội đó sẽ đạt được những gì vượt xa những gì tôi có thể đạt được như một cá nhân? Cả hai người trong đội có thực sự mong muốn những kết quả của “đội” ấy không? Ví dụ, khi sống một mình, mục tiêu của mình chỉ là tiếp tục duy trì một lớp học đủ để kiếm tiền và một cuộc sống độc thân không ràng buộc. Cuộc sống đó cũng không tệ, nếu không muốn nói là khiến không ít người mơ ước: có tiền, có sức khỏe, và còn thời gian để dành cho các thú vui riêng. Nhưng khi mình bước vào mối quan hệ nghiêm túc với bạn gái bây giờ, mục tiêu của cả hai không còn là sống hai cuộc đời độc thân, mà là có một chốn an trú để cả hai cùng đi về sau một ngày phơi mặt ra “chiến đấu” với thiên hạ. Khi đã có một “đồng đội”, mình không chỉ dừng lại ở mong muốn duy trì lớp học, mà còn nghĩ về một “disruption” trong dài hạn, giúp cho những giá trị về tư duy khoa học và giáo dục mà mình vẫn luôn theo đuổi đến được với nhiều người hơn. Đó là những kết quả mà cả hai thực sự mong muốn.

Làm một “đội” thậm chí có thể là cho phép những chênh lệch, khác biệt, thỏa hiệp, hay ưu tiên, miễn là những chênh lệch hay ưu tiên đó dẫn đến lợi ích cao nhất của cả hai người trong vai trò một “đội”. Ví dụ rõ ràng nhất cho việc này là khi một trong hai người nỗ lực giữ bình tĩnh để yên lặng lắng nghe người kia được bộc bạch hết những tức giận của mình (một cách bạo lực). Một người đàn ông làm thế với vợ hay bạn gái mình không phải vì họ là đàn ông còn người kia là phụ nữ. Người ta làm thế vì họ đủ bản lĩnh để hiểu rằng sự thỏa hiệp nhất thời này là cần thiết để cả “đội” đều vui: trước niềm vui của “đội”, những thỏa hiệp, nhường nhịn hay chênh lệch chỉ là những thứ không đáng kể.

Yếu tố thứ hai là cam kết tận tâm (commitment) chứ không hẳn là. “Cam kết tận tâm” trong mối quan hệ được định nghĩa là “mong muốn tiếp tục mối quan hệ đó, bất chấp những khó khăn và hiểu lầm.” Khi cam kết với một mối quan hệ, người ta cần có được niềm tin rằng người kia có khả năng nỗ lực và phải nỗ lực cùng mình để giải quyết các vấn đề của “đội”. Cam kết này cũng là góp phần vào việc xây dựng bản sắc cặp đôi và nhận thức về bản sắc ấy.

Vì chúng ta khó có thể biết được một người có cam kết tận tâm với mối quan hệ hay không khi chưa bước vào mối quan hệ với người đó, mình nghĩ rằng cách tốt hơn để dự đoán năng lực cam kết đó là nhìn vào khả năng giữ kỷ luật và cam kết của họ trong những bối cảnh khác, chẳng hạn như trong sự nghiệp, học tập, và đời sống hằng ngày. Tương tự cam kết trong một mối quan hệ, cam kết trong đời sống hằng ngày là mong muốn và khả năng duy trì một “thực hành” nhất định vì một mục tiêu dài hạn. Ví dụ, việc có thể giữ gìn thói quen đều đặn đến phòng gym 4 lần/tuần trong 2-3 năm liên tục, bất chấp sự eo hẹp về thời gian và tiền bạc, là một biểu hiện của năng lực cam kết. Hoặc, trong học tập, việc một người chấp nhận đi làm 3-4 năm rồi mới học thạc sỹ, bất chấp những nôn nóng do áp lực đồng trang lứa, cũng là một biểu hiện của cam kết tận tâm với việc học. Một điều cần lưu ý là việc duy trì các thói quen này phải được thực hiện bất chấp những khó khăn, chứ không phải được thực hiện trong điều kiện bình thường hoặc dễ dàng. Nếu được duy trì đều đặn trong điều kiện dễ dàng, hoạt động đó không phải là biểu hiện của kỷ luật và cam kết. Ví dụ, một người độc thân hằng ngày tan làm lúc 5h30 có thể dễ dàng đến phòng gym 4 lần/tuần, và vì thế hoạt động tập gym này không phải là biểu hiện của cam kết.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy rằng sự cam kết trong mối quan hệ đòi hỏi nền tảng về niềm tin: “tin rằng người kia có khả năng nỗ lực và phải nỗ lực cùng mình để giải quyết các vấn đề”. Điều này có nghĩa là, một lần nữa, cả hai người phải “cùng nhau” xây dựng cam kết. Bạn không chỉ tìm kiếm năng lực cam kết người kia, mà còn phải khiến cho người kia tin tưởng, tức là phải cho họ thấy được rằng bạn có năng lực tiến bộ, thích nghi, và giải quyết, và đã thực sự nỗ lực để tiến bộ, thích nghi và giải quyết. Nói cách khác, cho họ thấy rằng bạn có “growth mindset”.

Còn nếu bạn cứ cố gán năng lực học hỏi và tiến bộ của mình với một giới hạn nào đó, chẳng hạn như giới hạn giới tính, để rồi không dành đủ cam kết tận tâm, thì mối quan hệ có độc hại và dễ đổ vỡ cũng không phải điều lạ lùng.

Kết

“Anh có thể ‘độ’ được body của em, nhưng anh không ‘độ’ được tính cách em”

Mình nói câu này với bạn gái trong bối cảnh bỗng nhiên mình nhận được câu hỏi: “Sao anh lại chọn em, trong khi ngoài kia có biết bao nhiêu em gái trẻ trung, xinh đẹp, tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, vân vân?” Thực ra hai từ “body” và “tính cách” kia là cách nói đùa ẩn dụ của mình. “Độ body” ở đây không đơn thuần là thay đổi diện mạo, mà bao gồm cả việc thay đổi những thứ hời hợt và không quá quan trọng đối với một mối quan hệ. Còn “độ tính cách” là việc cố gắng thay đổi những thứ làm nên năng lực “đồng đội”và “cam kết”, những thứ mình cho là quan trọng hơn. Những thứ như thể hình hay kiến thức, mình tin rằng bản thân đủ kiên nhẫn và trí tuệ để giúp bạn gái mình thay đổi dần dần, và cũng tin rằng bạn ấy đủ kiên nhẫn để rèn luyện và thay đổi, nhất là khi thấy được lợi ích của sự thay đổi đó cho “đội”. Còn những thứ quan trọng hơn cả như sự cam kết và tình thần “đội nhóm”, mình không cần mất công “độ” nữa vì bạn ấy đã có rồi. Đó mới là cái “tầng” mà người ta cần đồng điệu khi muốn xây dựng một mối quan hệ tốt.

(*) Khái niệm này được lấy từ nghiên cứu của Karimi và các cộng sự vào năm 2019.

Karimi, R., Bakhtiyari, M., & Masjedi Arani, A. (2019). Protective factors of marital stability in long-term marriage globally: a systematic review. Epidemiology and Health, 41, e2019023.

Leave a comment