4 kịch bản trong mối quan hệ

Như ở một bài viết trước đây, mình cho rằng chúng ta cần phân biệt “giá trị độc lập” và “giá trị đội nhóm” như hai loại giá trị có sự tách biệt tương đối rõ ràng, tức là một người có giá trị độc lập tốt chưa chắc đã có giá trị đội nhóm tốt, và ngược lại. Khi viết bài viết ấy, ý của mình là: một mối quan hệ tốt cần có sự đóng góp của cả hai giá trị này, chứ không chỉ cần tới “giá trị độc lập” của từng người.

Nếu đơn giản hóa cách đánh giá các giá trị này, chúng ta có thể tạm cho rằng mỗi giá trị đó đều có 2 trạng thái “tốt” và “kém”. Khi 2 trạng thái của “giá trị độc lập” kết hợp với 2 trạng thái của “giá trị đội nhóm”, chúng ta sẽ có tất cả 4 kịch bản về giá trị của một người trong mối quan hệ, gồm có “cục tạ”, “đối tác cạnh tranh”, “đối tác tiềm tàng”, và “đối tác hoàn hảo”. Trong bài viết này, mình sẽ mô tả 4 kịch bản và ý nghĩa của “learn, unlearn & relearn” trong một mối quan hệ.

Bốn kịch bản được mô tả dưới đây chỉ là 4 kịch bản mang tính “trung bình”, đại diện cho 4 miền khác nhau trên một biểu đồ, nhưng không có ranh giới rạch ròi nào giữa 4 miền đó. Sẽ không có một kịch bản nào trong 4 kịch bản này hoàn toàn trùng khớp với tình trạng của một người cụ thể nào đó trong mối quan hệ; mà chính xác hơn, bạn sẽ cảm thấy rằng trong 4 kịch bản này, 1 kịch bản nào đó sẽ gần gũi nhất với trạng thái hiện tại của bản thân hoặc của “đối tác”. Continue reading “4 kịch bản trong mối quan hệ”

Lạm bàn về chuyện yêu

Có một hôm, chị Thúy có đăng một vấn đề thảo luận thế này: Tại sao một số người đàn ông/đàn bà lại lo sợ mất tiếng nói trong gia đình khi không kiếm được tiền hoặc không kiếm được nhiều tiền bằng người còn lại?

Thực ra hiện tượng này về bản chất cũng giống tư tưởng “gió tầng nào gặp mây tầng đó” mà mình đã từng nhắc đến, hay gần đây hơn là câu nói “nâng cao cái nội lực của mình, và mình sẽ có nhiều sự lựa chọn”.

Vấn đề là: “nội lực” là cái gì? Ngày xưa mình cũng ngây ngốc nghĩ rằng: muốn có nhiều lựa chọn, muốn có “giá” hơn, thì hãy nâng cao giá trị của bản thân bằng cách có địa vị xã hội, có học vấn, có thu nhập tốt, có kiến thức sâu sắc.

Vấn đề là lúc đó mình đã nhầm lẫn giữa 2 loại giá trị, gồm có “giá trị độc lập” của mình như một cá nhân trong guồng máy tiến lên của xã hội, và “giá trị đội nhóm” của mình như một phần của một đội gồm 2 người trong mối quan hệ gia đình.

Continue reading “Lạm bàn về chuyện yêu”

A worthy cause

Hôm trước, một cậu em kể về mình về một đồng nghiệp mới, trẻ trung, tốt nghiệp đại học với thành tích rất tốt – một hồ sơ đẹp … Cho đến khi cậu bé ấy được giao đọc và phân tích các vấn đề của một hợp đồng dài vài chục trang, với deadline là 1 tuần: cứ 30 phút, cậu lại buộc phải đứng lên vì không thể nào tập trung nổi.

Đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng phản ánh sắc nét vấn đề của những lao động thuộc Gen Z: họ khó có thể ngồi yên. Họ không thể ngồi yên với một cái hợp đồng; họ khó lòng ngồi trên một cái ghế hay trong một căn phòng. Thậm chí họ có khi còn chẳng thể ngồi yên ở một công ty.

Nhưng thay vì vội trách móc bất cứ bạn trẻ Gen Z nào, mình nghĩ mọi người cần trả lời những câu hỏi sau: “Điều gì thực sự khiến một nỗ lực hay một mối gắn kết được duy trì bền vững?” và “Bối cảnh nào tạo nên những người Gen Z không thể duy trì những nỗ lực bền vững?”

Continue reading “A worthy cause”

Để yên cho AI học… nói

Cuối cùng mình cũng viết xong … phần 1. Mình không phải là một chuyên gia về AI, nên khó có thể tránh khỏi những sai sót khi viết về lĩnh vực này. Rất mong mọi người lượng thứ và góp ý.

Do có quá nhiều ý tưởng, mình đã viết một bài dài trên 5.000 từ (và vẫn chưa xong). Mình quyết định chia bài viết ban đầu thành 2 bài viết riêng lẻ và hoàn thiện phần 1 trước. Phần 1 này sẽ cung cấp một chút thông tin nền về AI và cách người ta “huấn luyện” ChatGPT, sau đó giải thích vì sao ChatGPT không phải là một công cụ tạo ra nội dung đáng tin cậy, và cuối cùng diễn giải những xôn xao xung quanh AI này. Continue reading “Để yên cho AI học… nói”

Gió tầng nào gặp mây tầng đó?

Những ngày cuối năm vừa rồi, mình trải qua một đợt mental breakdown. Khi nhìn vào những gì mình cố gắng làm, và những gì facebook đập vào mắt mình, mình có cảm giác thế giới này sẽ không bao giờ thay đổi. Tức là bất chấp những gì mình vẫn cố gắng dạy, viết, và nói, các thanh niên sinh ra và/hoặc lớn lên trong thế kỷ 21 vẫn để tôi phải nói lại những câu chuyện xưa như Trái Đất về kiến thức, lao động, học tập, IELTS, nữ quyền, áp lực đồng trang lứa, giữa vô vàn những thứ khác. Các nội dung mạng xã hội, đặc biệt là những video dạng ngắn, có vẻ đang “bình thường hoá” những thứ ngớ ngẩn mà những phong trào tiến bộ đã xem như cần bị loại bỏ từ đời nào rồi.

Và mình cũng trầm cảm vì chưa bao giờ cảm thấy hết lo sợ, rằng những gì mình viết ra chẳng có giá trị gì đáng kể, chẳng giúp được ai, chẳng có gì sâu sắc. Mình sợ rằng mình sẽ trở thành giống chính rất nhiều người viết ra những nội dung mà mình đang phê phán trên mạng xã hội: những người chỉ dựa vào những trải nghiệm ít ỏi của bản thân, không biết chút gì về giải nghĩa dữ liệu định lượng, mà khẳng định những điều chắc như đinh đóng cột như thể quy luật về tâm lý của con người, về sự vận động của xã hội, và vân vân.

Nhưng cuối cùng thì, mình đoán, chắc mình phải tiếp tục viết thôi.

Viết hết về tất cả những thứ độc hại mà mạng xã hội đang tiêm vào đầu các bạn chỉ trong một bài đăng “ngắn” hiển nhiên là điều không thể. Vì vậy, mình quyết định chọn một chủ đề mà mình hiếm khi nói đến, nếu không muốn nói là chưa bao giờ: “Gió tầng nào gặp mây tầng đó” trong tình yêu. Continue reading “Gió tầng nào gặp mây tầng đó?”

Một chút về quản lý thời gian

Trong một buổi học cuối khoá, một bạn học trò hỏi mình rằng làm sao để quản lý tốt thời gian.

Mình tạm hiểu rằng bạn ấy muốn hỏi về cách quản lý thời gian của mình, tất nhiên với giả thiết rằng mình là một người biết quản lý hiệu quả thời gian của mình.

Chuyện này khá khó nói, vì nó phụ thuộc vào định nghĩa “hiệu quả” và cách đánh giá “hiệu quả”. Dù có vẻ là người khó tính và tuân theo các nguyên tắc chặt chẽ và lý tính khi làm việc, thực ra mình quản lý thời gian của mình một cách cảm tính và thường không dựa vào các con số. Đối với mình, quản lý thời gian hiệu quả có nghĩa là hiểu được điều gì mới thực sự quan trọng với cuộc đời mình, điều gì mới thực sự tạo ra cái gọi là “giá trị”, và dành thời gian cho những thứ đó thay vì lãng phí thời gian cho những thứ không đáng. Continue reading “Một chút về quản lý thời gian”

IELTS không logic

“Nền tảng của IELTS là tư duy logic” – “IELTS là tư duy học thuật” – những lời quảng cáo này khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều. Vì những quan điểm như vậy, không ít học trò của mình từng cảm thấy tự ti khi điểm IELTS Writing của các bạn ấy dưới 7.0: các bạn ấy nghĩ rằng mình không chỉ có năng lực ngôn ngữ kém mà còn có năng lực tư duy học thuật kém. Chẳng thiếu gì những phụ huynh tôn vinh điểm số IELTS như thể điểm IELTS cao đồng nghĩa với sự sẵn sàng về mặt học thuật. Một số trường học dùng điểm IELTS làm tiêu chí xét tuyển. Và bây giờ, đến cả người dạy IELTS cũng quảng cáo rằng năng lực tư duy logic là nền tảng để hoàn thành tốt bài thi IELTS. Những thực tế này cho thấy những người quan tâm đến bài thi IELTS cần có được sự thấu hiểu chính xác hơn về mục tiêu và tiêu chí của bài thi IELTS – những gì nó đánh giá được, và những gì nó không đánh giá được. Continue reading “IELTS không logic”

Mình viết gì khi mình viết về viết

Chuyện là, một mentee của mình nói rằng bạn ấy bị mất nhu cầu viết. Chuyện này, từ góc nhìn chủ quan của mình, tất nhiên chỉ như một cơn bão trong tách trà. Nhưng hẳn một mentor không được phép coi nhẹ bất cứ vấn đề nào của mentee. Vì thế, trong những giờ phút xen kẽ ngắn ngủi nào đó giữa những công việc, mình lại nghĩ xem việc viết đem lại cho người viết những gì. Với mình, viết đã giúp mình chữa lành, giải phóng sức mạnh của tâm trí, thiền, và kiến tạo chính mình cùng tất cả những gì xung quanh.

1. Chữa lành khi nhặt ghép những mảnh rời ký ức

Khoảng thời gian chứng trầm cảm của mình đột ngột trở nặng hơn đã giúp mình nhận thức được rõ hơn tác dụng chữa lành của việc viết. Continue reading “Mình viết gì khi mình viết về viết”

Những con người chín ép

Hồi còn học ở trường kiến trúc, bài học đầu tiên của mình ở môn kết cấu là bài học về khả năng chịu lực của thép. Điều khiến mình ngạc nhiên nhất là thép có một ngưỡng biến dạng vĩnh viễn kì lạ. Ban đầu, biến dạng của thép tỷ lệ thuận với lực kéo, và khi lực kéo biến mất, thép sẽ phục hồi trạng thái như chưa từng bị tác động. Tuy nhiên, khi lực kéo đã tới một ngưỡng nhất định, thép sẽ “chảy dẻo”: lực kéo không cần phải mạnh hơn, nhưng thép cứ thế bị biến dạng, và không thể nào phục hồi trạng thái ban đầu được nữa.

Dân chuyên ngành gọi ngưỡng lực đó là “yield strength” – mình sẽ ngạc nhiên nếu có từ nào đó phù hợp hơn “yield” để mô tả ngưỡng này: ngay đến cái cách người ta phát âm nó cũng gợi cảm giác nhất quán – bạn căng lưỡi lên để tạo ra một âm /j/, để rồi bỗng chốc buông xuôi cả khoang miệng, và đặt lưỡi về vị trí thả lỏng và thấp nhất có thể, thả lỏng đến nỗi việc duy nhất bạn làm cuối cùng chỉ là phát ra một âm “schwa” cơ bản và trầm mặc. Đó là ngưỡng lực mà ở đó thép phải “yield”: nó bỗng chốc từ bỏ việc kháng cự và buông xuôi, mặc dù áp lực vẫn như vậy.

Continue reading “Những con người chín ép”

Hôm nay mình ốm

Đây là lần đầu tiên mình ốm trong suốt 4 năm qua. Ngay cả khi bạn gái của mình bị nhiễm Covid-19, và con trai của mình, bố và mẹ mình bị nhiễm, mình cũng không sao cả. Nhưng hôm nay tất cả những gì mình có đều đã bị thiêu rụi.

Tất cả đều đã đốt sạch. Không còn chút gì nữa cả.

Mình bị mắc chứng telephobia. Mình sợ nói chuyện qua điện thoại với người mình không quen biết. Mình có thể nhắn tin với họ cả tiếng đồng hồ, nhưng không thể nói chuyện điện thoại.

Mình có thể ăn những món chán ngắt chỉ để tối ưu dinh dưỡng và dành thời gian cho công việc. Mình nói với bạn rằng: thế giới bên trong của mình đã quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc, nên những thứ bên ngoài cứ đơn giản thôi.

Trong mắt những bạn bè thân nhất, mình là một fuck boy và họ nghĩ hẳn mình là đã qua đêm với nhiều phụ nữ. “Không một ai luyện tập có một cơ thể sáu múi để hẹn hò với chỉ một người phụ nữ cả.” Đơn giản, sự thật là không phải thế. Mình không rõ định nghĩa “fuck boy” của mọi người thế nào. Có thể đó là một người có một lần nào đó lên giường với một người phụ nữ, và rồi sáng hôm sau coi như không biết nhau, chỉ một lần thôi, thế là thành một fuck boy. Mình cũng không buồn thanh minh. Continue reading “Hôm nay mình ốm”